Hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống tăng huyết áp năm 2023

Hôm nay: 22-12-2024 4:36:42 PM

        Nhằm hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống Tăng huyết áp 17/5/2023 lấy thông điệp: “Đo huyết áp đúng – Kiểm soát huyết áp tốt – Sống khỏe”, mỗi người dân trên 18 tuổi hãy tới các cơ sở y tế để được đo huyết áp, kiểm tra huyết áp nhằm phát hiện sớm theo dõi và tư vấn kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm xảy ra.

        Tăng huyết áp - “kẻ giết người thầm lặng”

        Tăng huyết áp (THA) là căn bệnh không lây nhiễm phổ biến nhất hiện nay. Đây được xem là “kẻ giết người thầm lặng” vì người bệnh THA không có biểu hiện triệu chứng rõ ràng mặc dù bệnh đã tiến triển nghiêm trọng. THA cũng là một trong những nguyên nhân gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận, mù lòa, tử vong.

        THA là tình trạng áp lực dòng chảy của máu lên thành động mạch tăng cao. Một người được xác định là bị tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên và/hoặc huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên.

        Nguyên nhân dẫn đến bệnh tăng huyết áp

        - Tuổi tác: tăng huyết áp dễ xảy ra sau tuổi 40.

        - Giới tính: Nam giới thường dễ mắc bệnh hơn nữ giới.

        - Tiền sử gia đình: tăng huyết áp có tính di truyền, nếu trong gia đình có người thân trực hệ (ba, mẹ, anh, chị, em ruột) mắc bệnh thì nguy cơ người đó mắc tăng huyết áp sẽ cao hơn so với người khác.

        - Tình trạng cân nặng: cơ thể thừa cân hoặc béo phì (BMI ≥23kg/m2), béo bụng (nam ≥90cm, nữ ≥80cm)

        - Rượu, bia: các nghiên cứu trong nước và thế giới đều cho thấy uống rượu, bia thường xuyên dẫn đến nguy cơ mắc tăng huyết áp cũng như tai biến mạch máu não và bệnh thận.

        - Chế độ ăn quá nhiều muối: theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới một người chỉ nên tiêu thụ 5g muối mỗi ngày, tuy nhiên tại Việt Nam trung bình một người tiêu thụ lên đến 10g muối.

        - Bệnh đái tháo đường: tiểu đường và tăng huyết áp là bộ đôi hay gặp ở người cao tuổi, làm nặng tình trạng của bệnh nhân hơn.

        - Lối sống ít hoạt động thể lực: người cao tuổi sức khỏe sụt giảm nhiều, do vậy cũng hạn chế vận động hơn trước, dễ dẫn đến thừa cân béo phì.

        Cần làm gì để phòng ngừa tăng huyết áp?

        Bệnh tăng huyết áp có thể được phòng ngừa hiệu quả và duy trì ở mức lí tưởng nếu thực hiện những khuyến cáo sau:

        - Chế độ ăn uống lành mạnh: bệnh nhân bị tăng huyết áp cần ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, các sản phẩm từ sữa ít béo; chỉ nên ăn dưới 5g muối/ngày (tương đương dưới 1 thìa cà phê muối/ngày). Nếu không tính chính xác được lượng muối ăn vào, nên giảm một nửa lượng muối thường dùng khi nấu và không chấm thêm muối mắm khi ăn, tránh ăn các thức ăn chế biến sẵn, thực phẩm chứ nhiều muối như cà muối, dưa muối, …

        - Giảm cân: mục tiêu tối ưu là duy trì cân nặng trong ngưỡng cho phép (18,5 ≤ BMI < 23 kg/m2). Kỳ vọng giảm 1kg cân nặng giúp giảm 1 mmHg huyết áp tâm thu.

        - Hoạt động thể lực: những môn thể thao phù hợp với người cao tuổi bị tăng huyết áp như là đi bộ, đạp xe đạp, tập yoga nhẹ, tập dưỡng sinh,… đều có lợi cho việc hạ huyết áp. Nên duy trì 30-60 phút/buổi trong 5 buổi/tuần. Các môn tập tạ, leo núi, chạy bộ nhanh không nên tập.

        - Giảm uống rượu bia: bệnh nhân nên được khuyên không uống quá 2 cốc chuẩn/ngày với nam và không quá 1 cốc chuẩn/ngày với nữ (1 cốc chuẩn tương đương 330ml bia hoặc 120ml rượu vang).

        - Tăng lượng Kali trong khẩu phần ăn: nghiên cứu cho thấy mức giảm huyết áp nhiều hơn ở những người có sử dụng nhiều Kali. Một số thực phẩm giàu Kali nên dùng: chuối, bơ, các loại nước ép trái cây, rau lá xanh hoặc bông cải xanh, các sản phẩm từ sữa, các loại đậu hạt cũng chứa một lượng lớn kali.

                                                                                                                                        Bs.Nhi Hoàng

Tài liệu tham khảo:

- Khuyến cáo của phân hội Tăng huyết áp – Hội tim mạch học Việt Nam (VSH/VNHA) về chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp 2022.


Tin liên quan