Hậu COVID-19 ở trẻ em

Hôm nay: 23-01-2025 5:19:09 AM

       Phương pháp duy nhất giúp trẻ không bị hậu COVID-19 là đề phòng nhiễm bệnh bằng cách thực hiện đầy đủ các biện pháp dự phòng COVID-19 thích hợp và cho trẻ tiêm vắc xin phòng COVID-19 theo khuyến cáo của ngành y tế.

       Hậu COVID-19 là thuật ngữ để chỉ một nhóm triệu chứng tồn tại lâu dài (mệt mỏi, rối loạn vị giác, đau đầu, ho, khó thở...) trẻ gặp phải sau khi mắc COVID-19 trên 4 tuần và có ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày của trẻ. Các triệu chứng này có thể tồn tại từ lúc trẻ mắc COVID-19 hoặc mới xuất hiện sau khi đã khỏi bệnh và không do các căn nguyên khác gây ra.

       Không phải tất cả các triệu chứng xuất hiện ở trẻ sau mắc COVID-19 đều là hậu COVID-19. Trước khi kết luận triệu chứng đó do hậu COVID-19, cần loại trừ các nguyên nhân khác. Chỉ làm các xét nghiệm thăm dò cần thiết khi có biểu hiện triệu chứng. Dưới đây là ba nguyên tắc trong tiếp cận hậu COVID-19 ở trẻ:

  • Phối hợp nhiều chuyên khoa
  • Chẩn đoán bằng phương pháp loại trừ
  • Điều trị triệu chứng, phục hồi chức năng và hướng dẫn cha mẹ và trẻ tự điều chỉnh.

       Ảnh hưởng của hậu COVID-19 và cách phòng tránh 

       Hậu COVID-19 có thể gây ảnh hưởng tới hầu hết các cơ quan, trong đó thường gặp các triệu chứng tâm thần kinh như: mệt mỏi, rối loạn vị giác, khứu giác, đau đầu, kém tập trung, các triệu chứng hô hấp hay gặp là ho kéo dài, đau họng, khó thở... Ngoài ra, trẻ có thể đau khớp, đau cơ, nặng ngực, hồi hộp đánh trống ngực. Hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) sau nhiễm SARS-CoV-2 tuy hiếm gặp nhưng là tình trạng nặng và có thể nguy hiểm đến tính mạng, có thể xuất hiện sau khi mắc COVID-19 từ 2 đến 6 tuần.

       Cho tới nay chưa có yếu tố nào giúp tiên đoán chắc chắn trẻ sẽ bị hậu COVID-19 sau khi mắc cấp tính. Một trẻ mắc COVID-19 mức độ nhẹ cũng có thể xuất hiện các dấu hiệu của hậu COVID-19. Tuy nhiên, một số nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ mắc COVID-19 mức độ nguy kịch cần điều trị hồi sức, trẻ béo phì hay có tiền sử dị ứng có nguy cơ xuất hiện triệu chứng hậu COVID-19 cao hơn nhóm trẻ khác.

       Hiện chưa có bất kỳ một biện pháp vật lý, thuốc hay thực phẩm nào giúp ngăn chặn sự xuất hiện của hậu COVID-19. Do đó, phương pháp duy nhất giúp không mắc hậu COVID-19 là dự phòng nhiễm SARS-CoV-2 cho trẻ bằng cách thực hiện đầy đủ các biện pháp dự phòng COVID-19 thích hợp và cho trẻ tiêm vắc xin phòng COVID-19 theo khuyến cáo của ngành y tế.

       Khi cha mẹ thấy trẻ có các triệu chứng như mô tả ở trên hoặc xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào mà trước khi mắc COVID-19 trẻ không có, cần cho trẻ đi khám ngay tại các cơ sở y tế. Với trẻ mắc COVID-19 điều trị nội trú, cần đưa trẻ khám và theo dõi ngoại trú theo lịch hẹn của cơ sở y tế khi ra viện.

                                                                      Nguồn: Bệnh viện Nhi Trung ương, ngày sản xuất tài liệu: tháng 4/2022


Tin liên quan