Phòng ngừa đái tháo đường

Hôm nay: 28-03-2024 8:52:01 AM

 

Cho đến thời điểm hiện nay, y học chưa thể phòng ngừa được bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) type 1, nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa ĐTĐ type 2.

Có thể chia các đối tượng đến tư vấn phòng ngừa bệnh ĐTĐ type 2 thành ba nhóm: nhóm 1 là trong gia đình đã có người bị bệnh ĐTĐ, nhóm 2 là trong gia đình chưa có người bị ĐTĐ và nhóm 3 là bản thân người cần tư vấn đã bị bệnh tiền ĐTĐ kèm theo gia đình có người đã bị (hoặc chưa bị) ĐTĐ.

Trong các đối tượng kể trên, nhóm 3 có nguy cơ cao mắc ĐTĐ, nhóm 2 có nguy cơ mắc ĐTĐ gấp đôi so với nhóm 1.

Bệnh ĐTĐ không ngừng gia tăng

Tiền ĐTĐ là tình trạng một người có mức đường huyết lúc đói cao hơn mức bình thường nhưng chưa đủ cao để chẩn đoán bệnh ĐTĐ. Dù chưa là ĐTĐ nhưng người bị tiền ĐTĐ vẫn bị biến chứng mạch máu, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, mù mắt, suy thận... như người bị ĐTĐ thật sự. Quan trọng là từ tiền ĐTĐ sẽ tiến triển thành ĐTĐ type 2 trong vòng vài năm, nếu người bệnh không chịu phòng ngừa và thay đổi lối sống theo hướng tích cực.

Bệnh ĐTĐ ở VN thuộc dạng phát triển nhanh nhất thế giới, ngày càng gia tăng cả về tỉ lệ, biến chứng và đối tượng mắc bệnh. Trong những năm 1990, tỉ lệ ĐTĐ ở nước ta là 2,6%. Hiện nay tỉ lệ này lên đến 4%, cả nước hiện có khoảng 3,2 triệu người mắc bệnh ĐTĐ.

Đối tượng nào dễ mắc bệnh ĐTĐ?

Bệnh ĐTĐ type 2 có thể xảy ra ở bất cứ người nào và ở bất kỳ lứa tuổi nào. Tuy nhiên, người có những yếu tố sau đây có nguy cơ cao bị ĐTĐ type 2 và cần được làm xét nghiệm:

- Người trên 45 tuổi.

- Người béo phì (nam giới có vòng bụng trên 90cm, nữ giới có vòng bụng trên 80cm).

- Người ít vận động.

- Phụ nữ bị ĐTĐ thai kỳ hoặc tiền sử sinh con nặng hơn 4kg.

- Người có bố mẹ (hoặc anh chị em) bị ĐTĐ.

- Người bị tăng huyết áp, đang điều trị tăng huyết áp.

- Người bị rối loạn mỡ máu (HDL ≤35mg/dl và/hoặc triglycerides ≥250mg/dl).

- Người đã được chẩn đoán là rối loạn dung nạp glucose hay rối loạn đường huyết lúc đói (còn gọi là tiền ĐTĐ).

- Người thuộc một số chủng tộc có tỉ lệ mắc ĐTĐ cao.

- Người càng có nhiều yếu tố nguy cơ kể trên thì càng dễ bị ĐTĐ.

Trong một gia đình, nếu mẹ bị ĐTĐ thì khoảng 30% số con có khả năng bị ĐTĐ. Nếu cha bị ĐTĐ thì 40% số con có khả năng bị bệnh này. Nếu cả cha và mẹ đều bị ĐTĐ thì con của họ có khả năng mắc bệnh này lên đến 70%.

Tại sao khi trong gia đình có người bị ĐTĐ thì các thành viên còn lại dễ mắc bệnh này?

Theo các chuyên gia, khi gia đình có người bị ĐTĐ thì các thành viên chia sẻ với nhau kiểu di truyền, đó là kiểu gen “nhạy cảm” với bệnh này. Đây là yếu tố cho đến nay y học chưa có biện pháp can thiệp hiệu quả (yếu tố không thay đổi được). Ngoài ra, các thành viên trong một gia đình còn chia sẻ với nhau điều kiện sinh sản ra bệnh ĐTĐ, đó là môi trường sống (nhà cửa, nơi sống), lối sống (ăn uống, tập luyện, vui chơi) - đây là các yếu tố có thể thay đổi được. Phòng ngừa ĐTĐ cho gia đình có thành viên bị ĐTĐ chủ yếu tập trung can thiệp vào các yếu tố có thể thay đổi được.

Làm thế nào để phòng ngừa ĐTĐ type 2?

Thậm chí nếu gia đình bạn đã có người bị ĐTĐ type 2, việc chọn lối sống khỏe mạnh sẽ giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh này.

- Chế độ ăn: nên có một chế độ ăn đa dạng. Nhiều rau và trái cây, dùng ngũ cốc nguyên vỏ, các sản phẩm từ sữa chứa ít chất béo, cá, thịt, gia cầm, trứng và đậu...(Chỉ cần giảm 5% trọng lượng cơ thể, ăn uống hợp lý và luyện tập thường xuyên sẽ làm giảm 58% nguy cơ bệnh ĐTĐ cho mọi đối tượng.)

Mỡ là chất cần cho sức khỏe nếu ăn với số lượng hợp lý. Ăn quá nhiều mỡ sẽ gây ra bệnh tim mạch. Chọn loại thịt nạc, cố gắng cắt lọc bỏ mỡ, bỏ lớp da kể cả da cá và gia cầm, không ăn quá ba quả trứng mỗi tuần. Giảm muối và đường. Không uống bia rượu quá mức. Tránh hút thuốc lá.

- Tập luyện thể lực: đi bộ, bơi lội, khiêu vũ, đạp xe... đều có lợi. Cố gắng vận động mỗi ngày 30-45 phút. Hiệu quả của việc tập luyện là giúp cơ thể tiêu hao bớt chất đường và chất béo, giảm huyết áp, hạ lượng mỡ máu...

Riêng những người bị tiền ĐTĐ, nếu đã thay đổi lối sống theo hướng tích cực mà lượng đường trong máu chưa quay về mức bình thường thì cần được kê toa thuốc phòng ngừa tiến triển sang bệnh ĐTĐ type 2 và hạn chế biến chứng.


Tin liên quan

  • NHỒI MÁU CƠ TIM – BỆNH LÝ NGUY HIỂM ĐE DỌA ĐẾN TÍNH MẠNG

    ĐẠI CƯƠNG Nhồi máu cơ tim là tình trạng của một phần cơ tim bị hủy khi lượng máu cung cấp đến phần đó bị giảm sút. Nguyên nhân gây ra nhồi máu cơ tim là do sự lấp tắc một trong số các động mạch vành nuôi tim, do cục máu đông hình thành […]

  • BỆNH VIÊM TỤY CẤP

    ĐẠI CƯƠNG Viêm tụy cấp là một quá trình viêm cấp tính của tụy, bệnh cảnh lâm sàng khá đa dạng, biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau: mức độ nhẹ chỉ cần nằm viện ngắn ngày, ít biến chứng, mức độ nặng , bệnh diễn biến phức tạp, nhiều biến chứng tỉ lệ […]

  • HEN PHẾ QUẢN

    ĐẠI CƯƠNG Theo GINA ( Global  Initiative for Asthma) 2002 thì hen phế quản là một bệnh lý viêm mạn tính của phế quản trong đó có sự tham gia của nhiều tế bào và nhiều thành phần tế bào. Viêm mạn tính gây nên một sự gia tăng phối hợp đáp ứng phế quản […]

  • BIẾN CHỨNG HẠ ĐƯỜNG MÁU Ở BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

    Đường máu và hạ đường máu Đường glucose là nguồn năng lượng chính cho hoạt động của cơ thể, nó được sản xuất từ các loại thức ăn có nhiều carbonhydrate như gạo, bánh mỳ, khoai tây, sữa và một số loại hoa quả ngọt, bánh kẹo… Trong một số trường hợp, cơ thể có […]

  • PHÒNG NGỪA XƠ VỮA ĐỘNG MẠCH Ở NGƯỜI CAO TUỔI

    1.       ĐẠI CƯƠNG  Xơ vữa động mạch là hiện tượng thành của động mạch (phía trong lòng động mạch) bị xơ cứng làm cho lòng động mạch hẹp lại gây nên hiện tượng thiếu máu cục bộ cho cơ quan, có nơi lòng động mạch bị xơ vữa bong ra gây tắc mạch cục bộ. […]

  • PHÒNG NGỪA TAI BIẾN MẠCH MÁU NÃO

    1.       ĐẠI CƯƠNG Tai biến mạch máu não (TBMMN) là tình trạng một phần não bộ bị tổn thương do thiếu máu nuôi dưỡng một cách đột ngột, bệnh xảy ra quanh năm nhưng mùa nắng nóng gặp nhiều hơn. Bệnh gặp chủ yếu ở người trưởng thành, đặc biệt là người cao tuổi (NCT). […]

  • SUY TIM

      1.                 ĐẠI CƯƠNG           Suy tim không có nghĩa là tim ngưng làm việc. Nó có nghĩa là khả năng bơm máu của tim yếu hơn bình thường. Trong bệnh suy tim, máu lưu thông qua tim cũng như khắp cơ thể với tốc độ chậm hơn, và áp lực trong tim gia tăng. […]