1. Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sang người thế nào?
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, virus Dengue lây truyền qua muỗi đốt đó là muỗi cái Aedes aegypti. Muỗi bị nhiễm bệnh khi đốt hút máu người mắc bệnh hoặc người nhiễm virus. Sau khoảng 1 tuần, muỗi mang mầm bệnh đó có thể lây truyền virus Dengue khi đốt người khác.
Muỗi có thể bay ở độ cao 400 mét để tìm nơi chứa nước để đẻ trứng nhưng những nơi này thường gần nơi sinh sống của người. Muỗi Aedes aegypti còn được gọi là"kẻ ăn ngày", bởi lẽ thời gian muỗi đi ăn (đốt) sôi động nhất là sáng sớm và buổi chiều tà.
Virus Dengue không thể tự lây trực tiếp từ người sang người. Tuy nhiên, một người bị nhiễm và đang mắc sốt xuất huyết Dengue có thể lây truyền cho các loại muỗi khác - WHO nhấn mạnh . Chúng ta cũng biết rằng con người lây truyền bệnh từ nước này sang nước khác hoặc từ vùng này sang vùng khác trong giai đoạn virus lưu hành và sinh sản trong máu.
Muỗi Aedes aegypti đã tiến hóa thành loài đốt nhiều lần trong ngày và đốt nhiều người trong giai đoạn chúng đi kiếm ăn. Đây chính là cơ chế khiến muỗi Aedes aegypti trở thành vật chủ trung gian gây bệnh dịch rất cao.
Dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue có thể bùng phát bất cứ thời gian nào chừng nào muỗi vẫn đang hoạt động. Song, độ ẩm và nhiệt độ cao là điều kiện thuận lợi cho muỗi tồn tại và làm gia tăng nguy cơ lây truyền bệnh.
Ăn uống chung, dùng chung đồ dùng không làm lây truyền bệnh sốt xuất huyết. Sốt xuất huyết không lây trực tiếp qua đường hô hấp hay tiếp xúc từ người sang người. Tuy nhiên, nếu sống trong vùng có người đang bị bệnh hoặc mang virus tiềm ẩn bạn có khả năng lây bệnh cao...
2. Đặc điểm của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết có đặc điểm sau:
Muỗi có màu đen, thân và chân có những đốm trắng thường được gọi là muỗi vằn.Muỗi vằn cái đốt người vào ban ngày, đốt mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối.Muỗi vằn thường trú đậu ở các góc/xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà.Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản ở các ao, vũng nước hoặc các dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà như bể nước, chum, vại, lu, khạp, giếng nước, hốc cây... các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát nước kê chạn, lốp xe, vỏ dừa...Muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình hàng tháng vượt trên 20º C.
3. Một người có thể lây sốt xuất huyết bao nhiêu lần trong đời?
BS. Đỗ Tuấn Anh - Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm từ trung gian truyền bệnh (vector) do bị muỗi mang mầm bệnh đốt. Có 4 tuýp huyết thanh khác nhau gây bệnh sốt xuất huyết, bao gồm DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4.
Chính vì vậy, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết rồi vẫn có thể tái nhiễm, thậm chí lần sau còn nặng hơn lần trước. Do vậy, mỗi người có thể sẽ mắc sốt xuất huyết 4 lần trong đời. Nếu mới mắc sốt xuất huyết lần đầu, người đó có thể nhiễm bệnh thêm 3 lần nữa bởi các tuýp virus Dengue còn lại.
Theo ước tính, có tới 50-100 triệu trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue hàng năm ở trên 100 nước có bệnh dịch lưu hành, tức là gần một nửa dân số thế giới có nguy cơ mắc bệnh.
4. Dấu hiệu và cách điều trị sốt xuất huyết
TS. BS Thân Mạnh Hùng - Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chỉ rõ, các dấu hiệu điển hình của bệnh sốt xuất huyết bao gồm:
Sốt cao đột ngột, liên tục, đau đầu, đau mỏi người, mệt mỏi, chán ăn...Giai đoạn sốt kéo dài từ 3-7 ngày. Từ ngày thứ 4 trở đi có thể xuất hiện các biến chứng nặng như xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, rong kinh, rong huyết (nữ giới).Một số trường hợp thoát huyết tương dẫn đến cô đặc máu và có thể dẫn tới sốc giảm thể tích, hoặc có thể suy các cơ quan nội tạng như suy gan thận, viêm cơ tim, viêm não - màng não,…
Cách điều trị:
- Xử trí trong những ngày đầu chỉ điều trị triệu chứng bằng cách chườm mát, uống thuốc hạ sốt (Paracetamol 500mg ở người lớn cứ 4 tiếng uống 1 viên nếu sốt trên 38,5 độ), bù dịch bằng đường uống (oresol, nước hoa quả, nước canh,…).
- Chỉ truyền dịch (muối đẳng trương hoặc Ringer lactate) khi không ăn uống được và phải được theo dõi tại các cơ sở y tế chuyên khoa.
- Cần theo dõi sát sao dấu hiệu của bệnh nếu có biểu hiện thoát dịch hoặc cô đặc máu sẽ dẫn đến hiện tượng tụt huyết áp, đau bụng vùng gan, mệt mỏi, tay chân lạnh, xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, đi ngoài ra máu, phụ nữ có thể rong kinh... thì cần nhập viện ngay.
5. Phòng bệnh sốt xuất huyết thế nào?
- Theo các chuyên gia, cách phòng bệnh sốt xuất huyết quan trọng nhất là diệt bọ gậy, lăng quăng, muỗi truyền sốt xuất huyết.
- Bộ Y tế đã đưa ra thông điệp " Mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt bọ gậy/lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh".
- Ngành Y tế khuyến cáo cộng đồng 6 điều cần làm để phòng bệnh sốt xuất huyết:
Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng.Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.Ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
Theo BỘ Y TẾ