SUY TIM
Hôm nay: 05-01-2025 5:13:05 AM
1. ĐẠI CƯƠNG Suy tim không có nghĩa là tim ngưng làm việc. Nó có nghĩa là khả năng bơm máu của tim yếu hơn bình thường. Trong bệnh suy tim, máu lưu thông qua tim cũng như khắp cơ thể với tốc độ chậm hơn, và áp lực trong tim gia tăng. Kết quả là tim không thể bơm máu để đáp ứng đủ nhu cầu ôxy và dưỡng chất của cơ thể. Các ngăn trong tim sẽ đáp ứng bằng cách dãn rộng hoặc trở nên dầy và cứng để có thể chứa nhiều máu hơn và giúp bơm máu đi khắp cơ thể. Sư điều chỉnh này chỉ giúp máu lưu thông ổn định trong một thời gian, nhưng cuối cùng thì cơ tim cũng sẽ bị yếu đi và không còn khả năng bơm máu mạnh mẽ nữa. Kết quả là thận sẽ gia tăng việc giữ muối và dịch (nước) trong cơ thể. Nếu dịch tích tụ nhiều ở tay, chân, mắt cá, bàn chân, chân, phổi và các cơ quan khác thì toàn bộ cơ thể sẽ bị xung huyết. Thuật ngữ suy tim xung huyết là để chỉ tình trạng này. 2. NGUYÊN NHÂN Suy tim có thể do nhiều nguyên nhân mà có thể làm tổn thương đến cơ tim như: · Bệnh lý động mạch vành: Đây là bệnh lý của động mạch cung cấp máu và ôxy cho cơ tim. Bệnh lý động mạch vành làm giảm lưu lượng máu đến cơ tim. Nếu động mạch vành bị hẹp nặng hoặc bị tắc nghẽn thì tim sẽ bị thiếu hụt ôxy và các dưỡng chất. · Nhồi máu cơ tim: Có thể xuất hiện khi động mạch vành bị tắc nghẽn đột ngột, làm cho dòng máu đến cơ tim bị ngưng trệ và gây tổn thương cơ tim. Nhồi máu cơ tim làm tổn thương cơ tim, tạo nên sẹo của một vùng cơ tim bị nhồi máu và làm cho nó mất các chức năng. · Bệnh lý cơ tim: Đây là bệnh không phải do nguyên nhân từ động mạch hoặc từ vấn đề lưu thông máu, ví dụ như bệnh cơ tim do nhiễm trùng, do rượu hoặc do nghiện ma túy. · Tình trạng tim bị quá tải: Các tình trạng như cao huyết áp, bệnh lý van tim, bệnh lý tuyến giáp, bệnh thận, tiểu đường, dị tật tim bẩm sinh đều có thể gây suy tim. Các triệu chứng của suy tim là gì? Suy tim có thể không có triệu chứng hoặc có triệu chứng từ nhẹ đến nặng. Các triệu chứng có thể dai dẳng hoặc tạm thời, bao gồm: · Xung huyết phổi: Dịch tích tụ trong phổi có thể gây nên thở ngắn (thở dốc) khi tập thể dục hoặc khó thở cả khi nghỉ ngơi hay khi nằm trên giường. Xung huyết phổi có thể gây ho khan liên tục hoặc thở khò khè. · Ứ dịch và nước: Giảm lưu lượng máu đến thận làm cho thận giữ dịch và nước, điều này sẽ gây nên phù ở mắt cá, chân, bụng...và tăng cân. · Mệt, chóng mặt, yếu: Giảm lưu lượng máu đến các cơ quan chính và cơ làm cho bệnh nhân cảm thấy mệt và yếu. Giảm lưu thông máu đến não có thể gây chóng mặt hoặc lú lẫn · Nhịp tim nhanh và không đều: Tim sẽ cố gắng đáp ứng với tình trạng thiếu cung cấp máu cho cơ thể bằng cách đập nhanh lên để cung cấp đủ máu cho cơ thể. Điều này gây nên nhịp tim nhanh và không đều. Nếu bạn bị suy tim, có thể bạn có tất cả các triệu chứng trên hoặc cũng có thể bạn không có triệu chứng nào. Ngoài ra, triệu chứng cũng phụ thuộc vào mức độ suy yếu của tim. Có thể bạn có nhiều triệu chứng nhưng chức năng của tim chỉ suy yếu ở mức độ nhẹ, hoặc có thể bạn không có triệu chứng nào nhưng tim đã bị suy nặng. 3. PHÂN LOẠI · Rối loạn chức năng tâm thu (Suy tim tâm thu): Xảy ra khi tim không thể co bóp đủ mạnh, do đó không bơm được nhiều máu giàu ôxy cho cơ thể. · Rối loạn chức năng tâm trương (Suy tim tâm trương): Xảy ra khi tim co bóp bình thường nhưng không thể dãn rộng ra hoặc bị cứng, do đó tim không thể chứa đầy máu trước khi bơm máu đi khắp cơ thể. Có một xét nghiệm gọi là phân suất tống máu (EF) để giúp xem xét khả năng co bóp của tim trong mỗi lần bơm, từ đó đánh giá đây là suy tim tâm thu hay suy tim tâm trương. 4. CHẨN ĐOÁN Bạn sẽ được hỏi nhiều câu hỏi về các triệu chứng và tiền sử bệnh tật. Bác sĩ cũng sẽ hỏi về các tình trạng bệnh lý có thể gây suy tim như bệnh động mạch vành, bệnh van tim, tiểu đường, cao huyết áp, đau ngực...và các thói quen như hút thuốc, uống rượu, chích ma túy và những thuốc đang uống. Bạn sẽ được thăm khám lâm sàng. Bác sĩ sẽ nghe tim và thăm khám để phát hiện những bệnh lý khác có thể gây suy tim. Sau cùng, bác sĩ sẽ cho tiến hành một số xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán cũng như giúp đánh giá nguyên nhân và độ nặng của suy tim. Các xét nghiệm bao gồm: · Xét nghiệm máu: Để đánh giá chức năng thận, chức năng tuyến giáp cũng như kiểm tra tình trạng thiếu máu và nồng độ cholesterol. · Xét nghiệm BNP: BNP là viết tắt của cụm từ tiếng Anh: B-type Natriuretic Peptide. Đây là một loại peptide được tiết ra từ tâm thất (hai ngăn phía dưới của tim) để đáp ứng với hiện tượng thay đổi áp lực trong tim xuất hiện khi tình trạng suy tim trở nên nặng hơn. Nồng độ BNP trong máu tăng khi tình trạng suy tim xấu đi và BNP giảm khi suy tim ổn định. Nồng độ BNP ở những bệnh nhân bị suy tim và cả những bệnh nhân có tình trạng suy tim ổn định thì cao hơn ở người có chức năng tim bình thường. · X quang ngực: nhằm để đánh giá khích thước của tim và giúp đánh giá có tình trạng ứ dịch ở phổi hay không. · Siêu âm tim: Giúp đánh giá các chuyển động của tim · Phân suất tống máu: Là xét nghiệm giúp đánh giá khả năng co bóp của cơ tim với mỗi nhát bóp giúp xác định xem có rối loạn chức năng tâm thu hay suy tim với chức năng tâm thất trái còn được bảo tồn hay không. · Điện tâm đồ (ECG hay EKG): Còn được gọi là điện tim, là một xét nghiệm cho kết quả là những đường biểu diễn phản ánh hoạt động của các xung điện lan truyền dọc theo tim. 5. ĐIỀU TRỊ Ngày nay có nhiều chọn lựa cho việc điều trị suy tim so với trước đây. Kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng thuốc và lối sống là những bước khởi đầu. Khi bệnh đã tiến triển thì bác sĩ có thể chọn lựa một số phương pháp điều trị. Mục tiêu điều trị suy tim đầu tiên là làm giảm khả năng tiến triển của bệnh (Do đó làm giảm nguy cơ tử vong và nhu cầu phải nhập viện), làm giảm các triệu chứng của suy tim và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Các giai đoạn suy tim? Vào năm 2001, Hiệp hội Tim Hoa Kỳ (AHA) và Trường Đại học Tim mạch Hoa Kỳ (ACC) đã đưa ra tiểu chuẩn về các giai đoạn của suy tim
Làm gì để ngăn ngừa bệnh suy tim nặng lên? · Giữ cho huyết áp thấp: Trong bệnh suy tim, sự phóng thích các hormon làm cho mạch máu bị co thắt. Tim sẽ phải tăng cường co bóp để có thể bơm máu đi qua các động mạch bị co thắt. Nếu huyết áp được giữ thấp thì tim có thể bơm máu hiệu quả mà không cần gắng sức. · Theo dõi các triệu chứng: Kiểm tra sự thay đổi về dịch trong cơ thể bằng cách cân hoặc kiểm tra xem có bị phù không. Nếu phát hiện tăng cân nhanh (tăng 2kg trong 1 tuần) hoặc bị phù ngày càng nhiều thì phải đến bác sĩ để được thăm khám. Ngoài ra nếu có triệu chứng mới xuất hiện hoặc các triệu chứng hiện có nặng lên thì cũng cần được bác sĩ thăm khám. · Duy trì sự cân bằng về dịch: Bác sĩ có thể yêu cầu bạn theo dõi lượng nước được đưa vào cơ thể từ đường ăn, uống và cả việc tiểu tiện. Bởi vì càng nhiều dịch trong mạch máu thì tim càng phải gắng sức để bơm đi một lượng thể tích nhiều hơn bình thường. Nên hạn chế lượng nước nhập vào cơ thể dưới 2 lít mỗi ngày để giúp tim giảm tải và có thể ngăn ngừa các triệu chứng tái phát. · Hạn chế ăn muối (Natri): Natri được tìm thấy tự nhiên trong nhiều loại thực phẩm và natri có trong muối ăn được cho thêm vào để nêm nếm thức ăn và giúp thức ăn được bảo quản được lâu hơn. Nếu bạn tiết chế natri trong chế độ ăn thì sẽ giúp cơ thể giữ ít dịch, giảm phù và thở dễ dàng hơn. · Theo dõi cân nặng và giảm cân khi cần thiết: Điều này giúp phát hiện khi có tình trạng tích tụ dịch trong cơ thể. · Uống thuốc đã được bác sĩ kê toa: Thuốc được sử dụng nhằm cải thiện khả năng bơm máu của tim, làm giảm áp lực lên tim và giảm quá trình tiến triển của suy tim cũng như ngăn ngừa hiện tương ứ dịch. Nhiều thuốc điều trị suy tim được sử dụng để làm giảm sự phóng thích của những hormon có hại. Những thuốc này làm dãn mạch và do đó làm giảm huyết áp. · Hẹn tái khám đều đặn với bác sĩ: Trong quá trình tái khám, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng sức khỏe của bạn và xem diễn tiến của suy tim có xấu lên hay không. Thông bào đến bác sĩ những vấn đề về tình trạng suy tim của bạn. Làm thế nào để ngăn chặn tổn thương tim nặng lên? · Bỏ hút thuốc · Cố gắng đạt được trọng lượng lý tưởng và duy trì nó · Kiểm soát tình trạng cao huyết áp, nồng độ cholesterol trong máu và bệnh tiểu đường · Tập thể dục đều đặn · Không uống rượu · Phẩu thuật hoặc các thủ thuật khác để điều trị suy tim Các thuốc nào nên tránh? Có một số loại thuốc nên tránh sử dụng khi bị suy tim, bao gồm: · Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) để điều trị giảm đau, nhức, hạ sốt. · Thuốc chống loạn nhịp tim · Thuốc chẹn kênh canxi (nếu bạn bị suy tim tâm thu) · Thuốc antacids (giảm tiết dịch vị ở dạ dày) có chứa Natri · Thuốc giảm xung huyết như Sudafed Nếu bạn đang sử dụng các loại thuốc này thì cần thông báo đến bác sĩ. Một lưu ý quan trọng là cần phải biết tên các thuốc bạn đang uống, mục đích sử dụng của chúng, ngày uống mấy lần, uống vào thời điểm nào. Liệt kê một danh sách các thuốc bạn đang uống và mang đến cho bác sĩ mỗi lần tái khám. Không bao giờ ngưng thuốc mà không hỏi ý kiến của bác sĩ cho dù các triệu chứng của bạn có thuyên giảm, thậm chí là khỏi hẳn vì các thuốc này giúp cho tim bơm máu hiệu quả hơn. Các phương pháp phẩu thuật để điều trị suy tim là gì? Phẩu thuật nhằm mục đích làm ngừng sự tổn thương của tim và cải thiện chức năng của tim. Các phương pháp bao gồm: · Thiết bị cấy vào bên trong để trợ giúp hoạt động của thất trái (Implantable left ventricular assist device - LVAD): Thiết bị này giống như "chiếc cầu nối ghép" cho bệnh nhân không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác và bị nhập viện với tình trạng suy tim tâm thu nặng. Thiết bị này giúp tim bơm máu đi khắp cơ thể. Nó cho phép bệnh nhân đi lại, thậm chí có thể về nhà để chờ ghép tim. Biện pháp này đôi khi cũng được sử dụng như phương pháp điều trị cuối cùng đối với các bệnh nhân không thích hợp để ghép tim. · Phẩu thuật bắc cầu động mạch vành (CABG): Phẩu thuật phổ biến nhất đối với suy tim là phẩu thuật bắc cầu. Bác sĩ sẽ xem xét tình trạng suy tim của bạn có phải là do bệnh lý ở động mạch vành hay không, và tình trạng tắc nghẽn của động mạch vành có thể được nối tắt hay không. Mặc dù phẩu thuật trên bệnh nhân suy tim thì có nhiều nguy cơ, nhưng một số biện pháp tiên tiến thực hiện trước, trong và sau khi phẩu thuật có thể làm giảm đi các nguy cơ và giúp cải thiện kết quả. · Phẩu thuật van tim: Bệnh lý van tim có thể được điều trị bằng cả hai phương pháp phẩu thuật và không phẩu thuật (tạo hình van tim bằng bóng qua da: Balloon valvuloplasty) · Phẩu thuật loại bỏ ổ nhồi máu: (Phương pháp Dor): Khi nhồi máu cơ tim xãy ra ở tâm thất trái thì sẹo được tạo thành. Vùng sẹo này mỏng và phồng ra mỗi khi tim co bóp. Vùng phập phồng này được gọi là "túi phình". Khi suy tim xuất hiện sau nhồi máu cơ tim thì bác sĩ phẩu thuật có thể chọn lựa kết hợp việc phẩu thuật bắc cầu và/hoặc sửa chữa van tim kèm với việc lấy đi vùng mô cơ tim bị chết (bị nhồi máu) hoặc túi phình. Phẩu thuật loại bỏ ổ nhồi máu giúp tâm thất trái trở về hình dạng bình thường hơn và cải thiện chức năng của nó. · Ghép tim: Được xem xét khi tim bị suy nặng đến mức không còn đáp ứng với tất cả các phương pháp điều trị khác, nhưng sức khỏe của bệnh nhân tương đối tốt. 7. TIÊN LƯỢNG Nếu được chăm sóc đúng cách, tình trạng suy tim có thể không ngăn cản bạn thực hiện những điều mình ưa thích. Tiên lượng của bạn tùy thuộc vào chức năng cơ tim còn tốt đến đâu, triệu chứng của suy tim nặng nhẹ ra sao, sự đáp ứng và tuân thủ của bạn đối với chế độ điều trị tốt như thế nào.
|