MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ BỆNH TRẦM CẢM
Hôm nay: 26-12-2024 6:12:16 PM
1/ Trầm cảm là bệnh gì?
Trầm cảm là một bệnh thuộc tâm thần học đặc trưng bởi sự rối loạn khí sắc. Bệnh do hoạt động của não bộ bị rối loạn gây nên do một yếu tố tâm lý nào nào tạo thành những biến đổi bất thường trong suy nghĩ hành vi tác phong.
Trầm cảm là 1 tình trạng phổ biến hiện nay, khoảng 3%-5% dân số mắc trầm cảm và 15% dân số sẽ mắc bệnh vào lúc nào đó trong cuộc đời của họ. Phụ nữ thường gặp bệnh trầm cảm nhiều hơn nam giới (2 nữ/1 nam) xảy ra ở nhiều lứa tuổi đặc biệt trong độ tuổi trưởng thành.
Trầm cảm là nguyên nhân của hơn 50% trường hợp tự sát, theo tổ chức Y tế Thế giới ước tính mỗi năm có khoảng 850000 chết do hành vi tự sát.
Trầm cảm là bệnh không còn xa lạ có thể chữa trị được khỏi hoàn toàn vì vậy cần được khám và điều trị kịp thời. Tuy nhiên trong số đó những người được chẩn đoán và điều trị kịp thời còn rất thấp chiếm khoảng 25%
2/ Nguyên nhân bệnh Trầm cảm
- Do stress trong cuộc sống như các vấn đề tiền bạc, hôn nhân, công việc, học tập,…; mất một người yêu dấu, mất tài sản, mất một mối quan hệ quan trọng…
- Do bệnh tật và biến đổi trong cơ thể như bệnh tật kéo dài, thay đổi nội tiết… cũng là nguyên nhân gây trầm cảm.
- Tính cách cá nhân có thể gây ra trầm cảm như người có khuynh hướng suy nghĩ tiêu cực về bản thân, khuynh hướng trở nên thu rút, không làm điều vui thú, ở quanh nhà và ngủ…cũng có thể làm cho người ta trầm cảm
3/ Triệu chứng bệnh Trầm cảm
Bệnh trầm cảm biểu hiện bằng các triệu chứng sau đây:
- Khí sắc trầm buồn: khí sắc trầm buồn được biểu hiện qua nét mặt của bệnh nhân: buồn bã, rầu rĩ, ủ rũ nét mắt rất đơn điệu, giảm hoặc mất các nếp nhăn. Tình trạng khí sắc giảm rất bền vững do bệnh nhân buồn bã, chán nản, bi quan, mất hết niềm tin trong cuộc sống.
- Mất hứng thú hoặc các sở thích trước đây: cảm giác nặng nề, mệt mỏi không muốn làm việc, đi đứng chậm chạp, luôn luôn cảm thấy mình không có đủ sức khỏe để làm việc dù là việc nhẹ, không quan tâm đến xung quanh kể cả con cái đang vui chơi cũng không để ý quan tâm. Bệnh nhân tự cho rằng họ đã mất hết các sở thích vốn có trước đây kể cả ham muốn tình dục. Nam nữ có biểu hiện suy giảm tình dục như lãnh cảm ở nữ hoặc rối loạn cương dương ở nam giới
- Rối loạn giấc ngủ: mất ngủ là triệu chứng hay gặp nhất chiếm 95% số trường hợp bệnh nhân trầm cảm. Bệnh nhân cảm thấy trằn trọc khó đi vào giấc ngủ mặc dù đôi khi cảm thấy rất buồn ngủ nhưng lại không thể ngủ, thức dậy sớm hơn bình thường. bệnh nhân được coi là mất ngủ khi ngủ ít hơn 2 tiếng mỗi ngày so với bình thường. Bệnh nhân có thể thức trắng cả ngày lẫn đêm trong nhiều ngày dẫn đến suy nhược cơ thể.
- Mất cảm giác ngon miệng, gầy sút cân, một số ít có biểu hiện tăng cân: bệnh nhân trầm cảm mất cảm giác ngon miệng, không muốn ăn thậm chí có trường hợp nhịn ăn hoàn toàn dẫn đến gầy sút cân. Một số ít trường hợp có cảm giác thèm ăn, ăn nhiều hơn bình thường dẫn đến tăng cân
- Mệt mỏi, giảm tập trung, giảm sút năng lượng: hay than phiền mệt mỏi mà không có một nguyên nhân nào, giảm khả năng tập trung vì vậy hiệu quả công việc giảm sút. Cảm giác mệt mỏi thường nặng hơn vào buổi sáng. Không còn hứng thú với việc gì. Bệnh nhân mệt mỏi không muốn làm gì đối với những trường hợp nặng còn không thể thực hiện được các công việc hàng ngày như: đi ra chợ, nấu cơm, giặt quần áo
- Cảm giác vô dụng, tội lỗi: luôn có ý nghĩ tiêu cực về bản thân, cảm giác tuyệt vọng không có lối thoát, không còn niềm tin vào bản thân và tương lai. Tự cảm thấy có lỗi với người thân, thua kém người khác, trở nên vô dụng.
- Biểu hiện sinh lý : nhức đầu, mỏi vai gáy, hồi hộp trống ngực, đau nhức tay chân
- Cảm giác lo lắng vô cớ, ám ảnh bệnh tật vô lý, dễ nổi giận với những người xung quanh, có những cơn sợ hãi, ngại giao tiếp, ít quan tâm đến người khác, đòi hỏi cao về những người khác
- Hình thức bên ngoài: ăn mặc lôi thôi lếch thếch, vệ sinh thân thể kém, cử chỉ chậm chạp hoặc giận dữ vô cớ, giọng nói trầm buồn đơn điệu gợi ý về bệnh trầm cảm.
- Có ý định và hành vi tự sát: hầu hết bệnh nhân trầm cảm đều có ý nghĩ về cái chết nặng hơn là có ý định tự sát. Cảm giác tuyệt vọng không có lối thoát. Họ bị ám ảnh về bệnh tật, chán nản, dễ bị tổn thương dần dần tự nghĩ rằng chết đi cho đỡ đau khổ.
4/ Đối tượng nguy cơ bệnh Trầm cảm
- Sau một sang chấn tâm lý: phá sản, mất hết tiền của, nợ nần, mất đi người thân, hôn nhân đổ vỡ, con cái hư hỏng, áp lực công việc quá lớn,...
- Sau sinh con khoảng vài tuần chiếm 1 tỷ lệ khá lớn cần được phát hiện kịp thời
- Đối với học sinh, sinh viên: áp lực học tập quá lớn: nhiều bài vở, thi cử dồn dập, áp lực từ cha mẹ thầy cô,
- Sau tổn thương thực tổn như chấn thương sọ não, bệnh mạn tính, bệnh ác tính …
5/ Phòng ngừa bệnh Trầm cảm
- Đối với một số sang chấn tâm lý không thể lường trước được như mất đi người thân, phá sản cần quan tâm, gần gũi, chia sẻ lấy lại niềm tin cho người bệnh
- Tránh các sang chấn tâm lý: gạt bỏ áp lực trong cuộc sống nếu có thể
- Đối với những người có biểu hiện trầm cảm cần theo dõi giám sát người bệnh vì người bệnh có thể có hành vi tự sát bất kì lúc nào
- Đưa đến khám bệnh chuyên khoa tâm thần để được chẩn đoán bệnh kịp thời
Trầm cảm nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời thì nguy cơ bệnh nhân tự sát là rất cao chiếm 50% tổng số bệnh nhân trầm cảm. Trong gia đình, người thân có ai có những biểu hiện trên cần được đưa đến bệnh viện chuyên khoa tâm thần khám phát hiện và chữa trị kịp thời.
Tải file tại đây: